Bói tình yêu
Tải miễn phí:
Android iOS
Tra câu, Từ điển Anh - Việt
Tải miễn phí:
Android iOS

Cảm nhận của em về câu ca dao: Cầy đồng đang buổi ban trưa..

Ca dao tục ngữ là bức tranh sinh động phản ánh đời sống nhiều mặt của ông cha ta thuở trước. Có lẽ không ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này lại không biết đến bài ca dao thấm đượm ân tình qua lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ:

Cày đồng đang buổi ban trưa 
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày 
Ai ơi bưng bát cơm đầy 
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Bài ca dao nói về một vấn đề đơn giản, nhưng ý nghĩa thì lớn lao vô cùng, vẽ ra trước mắt ta một bức tranh lao động với con người đang miệt mài hăng say giữa trưa hè gay gắt. Và thành quả lao động là những bát cơm thơm dẻo mà ta ăn hàng ngày. Lời lẽ dung dị đằm thắm, bài ca dao như một luồng chảy trữ tình dạt dào mãi trong tâm hồn ta.
Công việc của người nông dân vô cùng cực nhọc, vất vả:

Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

Loading...

Cày đồng giữa trưa, trời nắng gợi hình ảnh cực nhọc của người dân lao động. Vì vậy kết quả là “mồ hôi thánh thót”. Nhưng mà “thánh thót như mưa ruộng cày” là cách nói phóng đại của người xưa. Cái tài của phép phóng đại là người nghe biết mà vẫn nghe, vẫn tin, vẫn đồng cảm vì nó có cơ sở thực tế. Bởi giữa trưa, trời nắng nóng, phải là thời gian nghỉ ngơi, nhưng đây lại phải cày cho kịp việc. Thế thì đem sự cực nhọc ấy mà nói “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” là điều dễ dàng đồng cảm. Chỉ nói như thế may ra mới nói hết được sự vất vả, cực nhọc, lao lực của người nông dân lúc này.

Và ngay cái lúc cày đồng giữa trưa này, một giá trị về cuộc sống, giá trị về lao động được vỡ lẽ. Người nông dân thấm thía và nhận ra giá trị lớn lao của lao động. Để có được bát cơm, có được cái ăn thì phải bỏ sức lao động rất cực nhọc mới có được. Cái giá trị lớn lao của bài ca là ở đây là một bài học về giá trị lao động có lẽ không chỉ dành riêng cho dân cày, mà dành cho tất cả mọi ngành nghề lao động. Cần phải biết nâng niu, quí trọng thành quả của lao động. Thế mới biết, vì sao người ta lại giáo dục con em bằng giáo dục lao động.

Điều cần nói là tác giả dân gian đã sử dụng rất tài tình từ láy “thánh thót”. Từ láy giàu tính gợi hình và đậm chất Việt này được đặt thật đúng chỗ, khiến cho sự cực nhọc, vất vả được phóng đại hóa một cách sinh động. Vì vậy khi so sánh “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” thì phép so sánh - phóng đại trở nên hợp lý về nghĩa, và cấu trúc của câu thơ cũng trở nên uyển chuyển. Bởi thế, câu thơ vừa đậm chất dân gian lại vừa tinh tế, giàu chất thơ hiện đại. Hai câu kết là lời nhắn nhủ sâu sắc của ông cha ta cho thế hệ sau:

Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

Hạt gạo nuôi sống chúng ta lớn lên từng ngày được gọi là hạt ngọc, hạt vàng. Ai đã làm ra hạt gạo để mọi người được bưng những bát cơm đầy dẻo thơm, được no ấm? Chính là người dân cày Việt Nam đã một nắng hai sương, quanh năm vất vả cày bừa, cấy hái, làm cỏ, tát nước, bón phân, bắt sâu mới làm nên những mùa vàng. Trời mưa gió, lúc bão táp mưa sa, lúc nắng hạn, đồng khô nứt nẻ, làm ra bát cơm ngon lành, dẻo thơm, người nông dân phải đổ biết bao mồ hôi vật lộn với lo âu vất vả, nếm trải "đắng cay muôn phần".

Câu ca dao đã ca ngợi đức tính cần cù, chịu khó và tinh thần sáng tạo của người nông dân Việt Nam. Họ là động lực, là nguồn sống của xã hội. Nhờ họ mà mọi người, mọi nhà được no ấm. Nhờ họ, mà đất nước ta có nhiều triệu tấn gạo xuất khẩu. Nhờ họ mà quê hương ta ngày một giàu có, thịnh vượng.

Câu ca dao còn ca ngợi và khẳng định giá trị của bông lúa, hạt gạo. Nó nhắc nhở mọi người khắc sâu trong trái tim mình lòng biết ơn người dân cày Việt Nam.