Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320), người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, là một trong những vị tướng đời nhà Trần. Ông xuất thân từ tầng lớp bình dân song ông lại là người có chí lớn, tài cao và trở thành tùy tướng bên cạnh Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông, ông và các vị tướng sĩ khác của triều đình đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần quan trọng tạo nên hào khí Đông Á của thời đại đó.
Ông viết bài Thuật hoài vào cuối năm 1284. Thuật hoài là bài thơ thuộc thể loại thất ngôn tứ tuyệt được chia thành hai phần khá rõ:
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trải,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Dịch thơ tiếng Việt:
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
(Bùi Văn Nguyên dịch)
Mở đầu bài thơ là những hình tượng các tướng sĩ thời Trần, hai câu sau là “nỗi lòng” của tác gia. Ông sử dụng những từ ngữ gợi hình ảnh tráng lệ với âm hưởng hào hùng, sảng khoái phong thái mạnh mẽ của tướng sĩ:
Hoàng sóc giang san kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Câu thơ có hai hình ảnh rõ nét: một là hình ảnh tráng sĩ và hai là hình ảnh ba quân đại diện cho nhân dân, dân tộc ta thời bấy giờ. Người tráng sĩ hiện lên trong hành động cắp ngang ngọn giáo với mục đích giữ gìn non sông đất. Tư thế cầm ngang ngọn giáo “hoành sóc” ở tư thế chiến đấu vô cùng hiên ngang, dũng mãnh. Mở đầu bài thơ ông chọn câu từ “Hoàng sóc giang sơn kháp kỷ thu” đó không phải là sự ngẫu nhiên mà có sự sắp xếp để miêu tả sống động, chân thực nhất hình tượng kỳ vĩ, tráng lệ, vừa mang tầm vóc về không gian lại vừa mang kích thước thời gian chiều dài lịch sử (kháp kỷ thu). Câu thơ mang những nét của tư thế người chiến sĩ thuở “bình Nguyên” ra trận hiên ngang, hào hùng như các dũng sĩ trong huyền thoại. Chúng ta nhận thấy chủ nghĩa yêu nước của tác giả được biểu hiện qua vần thơ cổ kính trang nghiêm: cầm ngang ngọn giáo, xông pha trận mạc suốt mấy mùa thu để bảo vệ đất nước đem đến cuộc sống bình yên cho dân.
Chắc hẳn trong mỗi người chúng ta vẫn còn nhớ về đội quân “Sát Thát” vô cùng đông đảo, khí thế hào hùng trùng điệp (ba quân) với sức mạnh phi thường, mạnh như hổ báo (tỳ hổ) quyết đánh tan mọi kẻ thù xâm lược non sông. Người dũng sĩ ấy khi vào trận thì khí thế ào ào vừa nhanh vừa mạnh. Cũng bởi thế không một thế lực nào, kẻ thù nào có thể ngăn cản nổi. “Khí thôn Ngưu” có ý nghĩa là khí thế của người tráng chí ấy nuốt cả sao Ngưu, lấn át, làm mờ cả sao Ngưu trên bầu trời. Theo Bùi Văn Nguyên dịch thì khí thế của “ba quân thế mạnh nuốt trôi trâu”. Với việc sử dụng sáng tạo biện pháp tu từ thậm xưng khắc họa người dũng sĩ mang tầm vóc to lớn, tư thế hoành tráng, hiên ngang trước vũ trụ: “Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”. Vì thế con người vũ trụ gắn với con người trách nhiệm, con người ý thức, bổn phận, con người hành động, đó chính là những biểu hiện của con người cộng đồng, con người xả thân vì đất nước. Hình ảnh ẩn dụ so sánh: “Tam quân tì hổ…” trong thơ Phạm Ngũ Lão rất độc đáo, không chỉ có sức biểu hiện sâu sắc sức mạnh vô địch của đội quân “Sát Thát” đánh đâu thắng đấy, nó còn khơi nguồn cảm hứng trong nền văn học dân tộc.
Bút pháp miêu tả, so sánh, phóng đại, phép đối hài hoà, giọng thơ hào hùng, sôi nổi tạo ra cách nói hấp dẫn và ấn tượng. Hình ảnh tráng sĩ còn có tính chất cụ thể, hình ảnh ba quân thì rõ ràng ấn tượng, từ cảm hứng chủ quan và sảng khoái. “Ở đây chủ quan mà lại chân thực, chân thực của ấn tượng chứ không phải chân thực của thị giác. Chân thực ở cái hồn của sự việc chứ không phải ở sự việc cụ thể. Xét cho cùng, chính đó là cái chân thực của thời đại, của đất nước” (Nguyễn Đình Chú).
Ở hai câu đầu ta thấy giọng điệu sôi nổi hùng tráng thì đến hai câu cuối lại mang âm hưởng trầm lắng, mang tâm tư của nhà chính trị yêu nước. Điều này phù hợp với sự bộc bạch, tâm sự của chính bản thân bày tỏ nỗi lòng của tác giả. Nói cách khác âm hưởng thơ góp phần thể hiện nỗi lòng của Phạm Ngũ Lão.
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu).
Hai câu cuối khi đọc lên chúng ta cảm nhận được ngay dòng cảm xúc thay đổi đột ngột từ tinh thần mạnh mẽ, quất cường chuyển sang trữ tình, sâu lắng, được lắng đọng trong tâm hồn chất chứa tâm sự của tác giả. Nó giống như lời mình nói với mình cho nên âm hưởng trở nên thâm trầm, da diết. Vẻ đẹp của người chiến sĩ, nhà quân sự lỗi lạc không chỉ thể hiện ở tư thế, khí phách, tầm vóc, sức mạnh mà thể hiện ở cái ý chí, tâm hồn của người tráng sĩ. Theo Phạm Ngũ Lão chí làm trai thường gắn liền với hai chữ công danh. “Công danh” mà Phạm Ngũ Lão nói đến trong bài thơ là thứ công danh được làm nên bằng máu, sự nghị lực và tài thao lược, bằng tinh thần quả cảm để lập nên chiến công được ghi danh trong sử sách của nhân loại. Đó không phải là thứ “công danh” tầm thường, đậm màu sắc anh hùng cá nhân, công danh được nhân dân công nhận khắc ghi, tôn thờ, nó bất diệt mãi mãi với thời gian, lưu danh muôn thủa giống như các bậc thánh hiền. Hai chữ “công danh” ấy cũng chính là cái nợ, như một gánh nặng mà bất cứ kẻ làm trai nào cũng nguyện trả, nguyện đền bằng xương máu và lòng dũng cảm. Câu thơ cuối “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu” đã minh chứng cho việc tướng sĩ còn học tập binh thư, rèn luyện cung tên chiến mã, sẵn sàng chiến đấu “Khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa Khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai,…” để Tổ quốc Đại Việt được trường tồn bền vững: “Non sông nghìn thuở vững âu vàng” (Trần Nhân Tông).
Phạm Ngũ Lão “thẹn” chưa có tài mưu lược lớn như Vũ Hầu Gia Cát Lượng đời Hán để trừ giặc, cứu nước. Ông cảm thấy thẹn bởi vì so với các bậc hiền tài trong lịch sử thì ông chưa làm được gì đáng nói. Gia Cát Lượng là quân sư của Lưu Bị, mưu trí tuyệt vời, song điểm làm cho Gia Cát Lượng nổi tiếng là lòng tuyệt đối trung thành với chủ. Chính vì thế ông để câu thơ “luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu” là câu kết của “Thuật hoài” đây thực chất là một lời thề suốt đời tận tụy với chủ tướng Trần Hưng Đạo với nhân dân, chữ “thẹn” còn ý nghĩa thể hiện sự khát vọng, hoài bão phấn đấu, mong muốn sánh với Vũ hầu.
Tóm lại xuyên suốt bài thơ nói về chí làm trai, mang tinh thần, tư tưởng tích cực, gắn với ý thức trách nhiệm, lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm cho đời). Từ quan niên nợ công danh dẫn đến quan niệm lập công danh trở thành lý tưởng sống của trang nam nhi thời phong kiến. Nguyễn Công Trứ đã từng khẳng định:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Tác giả lấy những tấm gương sáng trong lịch sử làm tấm gương để so sánh, phấn đấu vươn lên xứng đáng là con cháu của gương sáng đó, hơn tất cả lòng tự ái, lòng tự trọng đáng quý ở một đấng nam nhi cần phải có, phải làm được. Là một tùy tướng thân cận của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão luôn sát cánh bên cạnh chủ tướng, xông pha nơi làn tên mũi đạn, ông luôn làm gương cho ba quân tướng sĩ noi theo, Phạm Ngũ Lão đã dồn hết tài năng, tâm huyết để tìm ra cách đánh nhanh nhất, ít hao quân tốn tướng nhằm quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Suy nghĩ của Phạm Ngũ Lão rất cụ thể và thiết thực; Ông luôn cho rằng chỉ cần một ngày còn bóng quân thù là nợ công danh của tuổi trẻ với giang sơn xã tắc vẫn chưa trả hết. Mà như vậy là phận sự làm tròn của bề tôi với vua, phận làm con với gia đình tổ tiên, phận làm trai với nhân dân vẫn chưa tròn. Từ cách nghĩ đến cách sống và hành động của Phạm Ngũ Lão rất tích cực, tiến bộ. ông muốn sống xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.
Đây là bài thơ trữ tình bày tỏ tâm trí cùng hoài bão lớn lao của tráng sĩ trong xã hội phong kiến. Bài thơ có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc về nhân sinh quan và lối sống tích cực đặc biệt với thanh niên trong mọi thời đại. Thuật hoài mang đến tinh thần trách nhiệm của người thanh niên đối với đất nước khi có giặc ngoại xâm. Người thanh niên nói chung trong mọi thời đại phải luôn có ý thức, luôn thấy được trách nhiệm cao cả của mình đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yêu cho nhân dân.