Hà Nội mang đến nhiều cảm xúc cho các nhà văn nước ta. Bởi nét đẹp rất riêng chỉ có ở Hà Thành mang đến cảm xúc mãnh liệt cho các nhà văn yêu nơi đây.
Một trong những tên tuổi mang tình yêu Hà Nội có nhà văn Thạch Lam. Nhà văn tên thật là Nguyễn Tường Lân, ông sinh năm 1910 trong một gia đình công chức khá giả. Một trong những tác phẩm để đời của ông có tác phẩm “Một thứ quà của lúa non: Cốm”.
Cốm là món ăn dân dã, bình dị mà đậm đà hương vị cổ của Hà Nội xưa và nay. Người làm Cốm phải có bàn tay khóe léo mới tạo ra được những hạt Cốm màu xanh, dẻo thơm, thể hiện nét văn hóa lâu đời của người Hà Nội.
Dưới ngòi bút của nhà văn Cốm được tác giả coi như là thứ quà riêng biệt của đất nước, là thứ quà của lúa non. Cốm gợi hình ảnh biểu tượng những cánh đồng lúa vàng bát ngát đại diện cho nền văn hóa lúa nước của cả dân tộc Việt Nam. Đây cũng là truyền thống từ lâu đời của nước ta. Cốm được làm ra từ những hạt lúa non mà không phải là những hạt thóc vàng óng. Chỉ điều này thôi cũng thấy được sự được biệt của Cốm. Bằng tình cảm trân trọng, nâng niu cùng với sự giản dị, chân thành tác giả đã phát hiện ra nét đẹp văn hóa dân tộc ẩn chứa trong thứ quà quen thuộc ấy.
Đọc bài văn ngẫm nghĩ lại, chúng ta mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp bao trùm ý nghĩa sâu xa của nó. Tác giả sử dụng giọng điệu trữ tình, bình dị nhưng sâu lắng, đây cũng là thế mạnh của nhà văn Thạch Lam. Khi đọc ta cảm thấy dòng cảm xúc dạt dào của tác giả như tuôn chảy trong từng chữ, từng câu, từng đoạn văn và cuối cùng lan tỏa khắp bài tùy bút. Chính vì thế ta đọc bài thơ đến đâu là chất lãng mạn và trữ tình hòa cùng cảm giác lâng lâng như được bay bổng.
Ông cảm nhận được nét đẹp của Cốm thế nhưng ngay ở phần mở đầu, tác giả đã không vội diễn tả vẻ đẹp, có nét thanh thoát của cốm, mà để người đọc cảm nhận từ từ món quà đặc biệt này bắt đầu từ nguồn gốc sinh ra nó:
“Cơn gió mùa hạ lướt qua vùng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn có ngửi thấy khi đi qua những cảnh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa càng cong xuống, nặng vì chất quỷ trong sạch của Trời.”
Với ngòi bút nhạy bén và cảm nhận tinh tế tác giả chuyển câu giải thích thành đoạn văn giàu tính nghệ thuật được tạo nên bởi các từ ngữ trau chuốt gợi hình ảnh hấp dẫn đến lạ lùng! Các bạn có cảm nhận được vẻ đẹp của nó không? Nhà văn miêu tả: “cơn gió mùa hạ lướt qua vùng sen trên hồ,...nhuần thấm cái hương thơm của lá”. Người dân ở làng nghề ẩm thực này dùng lá sen để gói cốm. Bởi chính hương thơm của lá mà họ đã lấy lá gói cốm. Người xưa muốn lấy chính hương thơm của lá để hòa quyện với hương thơm đặc trưng của lúa non để có sản phẩm là cốm.
Tác giả có cách mở bài rất tự nhiên không gây gò bó cho người đọc, từ ngữ vừa sinh động vừa lối cuốn, hấp dẫn người đọc. Tác giả khiến người đọc phải vận dụng tối đa các giác quan mới có thể cảm nhận hết nét đẹp thiên nhiên thuần khiết của cốm.
Cốm gắn liền với phong tục tập quán của dân tộc ta. Cũng như các sản phẩm khác như bánh chưng, bánh giầy và cốm đều là các sản phẩm được làm ra từ hạt lúa. Cốm vừa mang giá trị vật chất nhưng vừa mang giá trị tinh thần của đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhà văn Thạch Lam đã viết:“Ai đã nghĩ đầu tiên cốm để làm quà sêu Tết. Không còn gì hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi... Và không bao giờ có hai màu lại hòa hợp hơn được nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền...”
Nói đi rồi lại nói lại đọc bài tùy bút chúng ta nhận thấy ngay sự trân trọng và tình cảm mến yêu của tác giả đối với món cốm. Chính bởi vậy mà ông đã viết: “Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ...”
Có lẽ chính vì nét thanh khiết, giản dị ấy mà nhà văn nhận thấy ý nghĩa sâu xa trong việc dùng hồng và cốm làm quà sau Tết. Trong truyền thống cưới hỏi của nước ta thì thứ lễ vật quý giá mà nhà trai đem đến nhà gái là hồng với cốm. Cốm là sự kết tinh của thiên nhiên và công sức con người. Hồng và Cốm có hai màu tương phản nhưng khi kết hợp cùng nhau thì thật ăn ý. Nó tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương, cho trai tài gái sắc gắn kết họ nên duyên vợ chồng đời đời, kiếp kiếp.
Bài văn có sự chuyển mạch cảm xúc rất tự nhiên. Tác giả luận bàn từ nguồn gốc, giá trị của cốm đến cách thưởng thức cốm. Cốm là món quà thanh tao nên người thưởng thức cũng phải ăn từng chút một, thong thả và ngẫm nghĩ mới cảm nhận hết được hương vị của Cốm. “Trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, củng như trời sinh cốm nằm ủ trong lả sen...”
Để rồi chính tác giả lại đóng vai một người rao bán cốm rất thú vị: “Hỡi các bà mua hàng! Chớ có thọc tay hay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu mà vuốt ve. Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của thần Lúa. Sự thưởng thức của các bà sẽ được trang nhã và đẹp đẽ hơn, và cái vui cũng sẽ tươi sáng hơn nhiều lắm.”
Khi đọc xong bài văn nhưng cảm xúc của chúng ta vẫn còn lâng lâng, dạt dào tâm hồn vì thế cứ phiêu diêu theo cung bậc cảm xúc của bài.
Từ ý nghĩa của Cốm chúng ta cảm nhận phảng phất đâu đó là phẩm chất nhân hậu, chất phác của những người nông dân một nắng hai sương, gắn bó với đồng ruộng mà ông cha để lại. Họ đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để làm ra hạt lúa, hạt ngọc nuôi đời đến ngày hôm nay và tương lai mai sau.