Bói tình yêu
Tải miễn phí:
Android iOS
Tra câu, Từ điển Anh - Việt
Tải miễn phí:
Android iOS

Phân tích câu "Giấy rách phải giữa lấy lề"

Từ xưa đến nay ông cha ta thường dạy con cháu rằng “Tiên học lễ, hậu học văn” ý nghĩa của nó vẫn còn lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một thước đo rèn luyện, tu dưỡng bản thân.

phan-tich-cau-giay-rach-phai-giu-lay-le

Trước tiên để học thành người cần học lễ nghĩa, lời ăn tiếng nói rất qua trọng, nó thể hiện văn hóa ứng xử văn minh giữa bề dưới với bề trên, giữa bạn bè với nhau. Nói cách khác ông bà xưa có nói: “Giấy rách phải giữ lấy lề” đây là lời nhắc nhở, dạy bảo của ông bà đối với con cháu dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải giữ gìn nhân cách, phẩm giá của con người, cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. 

Ý nghĩa “Giấy rách phải giữ lấy lề” theo nghĩa đen thì giấy ở đây tức là giấy dùng để viết, dùng cho học sinh nhưng cho dù nó bị rách thì cũng phải giữ lấy lề để cho cuốn sách nhìn vẫn đẹp. Từ hành động đó chúng ta mới đánh giá được tính cách con người đó có gọn gàng và cẩn thận hay không. Những đức tính ấy không chỉ rèn cho chúng ta những thói quen tốt mà tạo cho chúng ta những nếp sống gia phong gọn gàng, hợp lý, ngăn nắp trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian nào. Nghĩa bóng của câu tục ngữ dùng để chỉ dù sống trong hoàn cảnh nghèo túng, thậm chỉ có khi lâm vào tình thế bức bách, chúng ta cũng phải có lòng tự trọng, phẩm hạnh trong sạch, không làm những điều xằng bậy, xấu xa…. Giữa con người với con người với nhau thì cái đáng quý nhất chính là nhân cách, phẩm giá chứ không vì có tiền bạc, địa vị cao sang.

Loading...

Bởi vậy ông cha ta dùng hai chữ “phải giữ” như là lời nhắc nhở tạo ý thức tự phát, lòng quyết tâm bảo vệ, giữ gìn một cách trọn vẹn phẩm chất, đạo đức con người. Từ ngữ trong câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” rất giản dị và dễ hiểu. Quyển sách hay quyển vở không thể không có lề cũng giống như con người vậy phải có đạo đức, lòng tự trọng của bản thân. Khi giấy bị rách (do nguyên nhân khách quan hay chủ quan) nhưng phần lề, gốc lề vẫn được giữ lại trong cuốn sách, quyển vở. Lề ở đây đồng nghĩa với phong tục, tập quán, lề trong sinh hoạt đã định hình trong tâm hồn, trong hành động, hay đời sống vật chất và tinh thần của mọi miền quê. Nó được thanh lọc theo dòng chảy của thời gian để có được cái tinh hoa nhất, cái tốt đẹp nhất, kết tinh thành truyền thống tốt đẹp, thành “thuần phong mĩ tục”. Vì thế, trước mọi biến cố. mọi thử thách, câu tục ngữ: “Giấy rách phải giữ lấy lề” có tác dụng to lớn nâng đỡ tinh thần mọi người, động viên nhau biết giữ lấy phẩm hạnh, nêu cao truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương với tất cả niềm tự hào dân tộc. Nhỏ hơn là trong chính gia đình khi con người đứng trước khó khăn, hoạn nạn, phải biết nêu cao lòng tự tôn tự trọng, biết giữ lấy gia phong, truyền thống tốt đẹp của ông bà, tổ tiên, của gia đình mình gìn giữ qua bao đời.

Câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” là một bài học đạo đức sáng giá cho mỗi chúng ta. Thông qua câu tục ngữ, nhân dân ta muốn nhắc nhở con cháu đời sau phải biết trau dồi nhân cách phẩm hạnh, có ý thức bảo vệ nếp nhà. gia phong, giữ gìn và phát huy mọi truyền thống tốt đẹp của gia tiên, của gia tộc. Đặc biệt dù trong hoàn cảnh nào cũng không được đánh rơi nhân cách, không được làm những điều bất lương đi trái với đạo lý để lại tiếng xấu cho con cháu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, mà phải nêu cao tinh thần “đói cho sạch, rách cho thơm”.

Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập cùng xu thế phát triển của thế giới, đồng thời đón nhận luồng sinh khí mới tiến bộ của nền văn hóa văn minh từ nước ngoài vào. Đứng trước rất nhiều những thách thức của thời đại chúng ta cần phải hiểu rằng: văn minh tiến bộ là mặt bên ngoài của xã hội, còn mặt bên trong của nó là điều rất quan trọng, vì đây mới thực sự quyết định sự tồn vong của một đất nước, đó là đạo đức. Ta phải giữ gìn, bảo vệ và phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc, như vậy là ta đã giữ “cái lề” của truyền thống ông cha ta đã dốc tâm xây dựng vun đắp, đó cũng chính là gốc rễ cội nguồn phát triển của xã hội, của đất nước.

Con người cần biết rèn luyện cho mình những thói quen tốt, tính cẩn thận gọn gàng và ngăn nắp trong từng công việc từ việc nhỏ nhất trở đi, có như vậy cuộc sống mới trở nên trong lành và có giá trị. Khi tạo dựng những thói quen đó phải được rèn luyện từ bé  trải qua nền giáo dục từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội, tất cả cần cùng nhau đoàn kết, thống nhất làm những điều đó để làm cho con người họ có được đức tính tốt. 

Câu tục có giá trị to lớn, thứ nhất nếu xét về mặt ý nghĩa nó đúng với mọi thời đại, trong xã hội ngày nay, khi chúng ta phải bon chen với công viêc cuộc sống nhiều hơn, thời gian dành cho gia đình cũng bị hạn chế, chính vì vậy họ không có nhiều thời gian rèn luyện, dạy dỗ con cái có những đức tích tốt, hay nói cho chúng về truyền thống tốt đẹp, đạo lý làm người như thế nào. Từ đó dẫn đến thế hệ trẻ thiếu sự hiểu biết về cội nguồn, truyền thống tốt đẹp đang dần bị mai một đi. Thứ hai xét về mặt vật chất câu tục ngữ như một lời khuyên răn, kim chỉ nan soi sáng và để lại nhiều bài học có giá trị cho mỗi con người, chúng ta nên học hỏi và phát huy nó mỗi ngày, để hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa, trong lành hơn. Dù có sống trong nghèo đói nhưng những thói quen tốt đẹp vẫn luôn luôn hiện hữu và có trong con người của họ. Bên cạnh những người luôn biết giữ gìn, trau dồi bồi đắp bản thân thì cũng có không ít người có lối sống buông thả, xa đà vì tiền bạc mà đánh mất giá trị đạo đức, tự trọng của bản thân, đó là những thói quen làm cho họ ngày càng trở nên xấu đi và nó sẽ ăn mòn đi tiềm thức trong sáng có trong con người của họ. 

Câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” mang ý nghĩa nhắc nhở mỗi con người chúng ta nên cẩn thận và giữ gìn những điều đáng quý trọng trong cuộc sống của mình tạo nên những ý nghĩ tốt để có những thói quen tốt cho bản thân, ngày càng cải thiện và phát huy, phát triển văn hóa, tinh hoa của dân tộc xứng đáng với công lao sinh thành nuôi dưỡng của bố mẹ, không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ làm một người có ích cho xã hội, xứng đáng là “Con Rồng cháu Tiên”.