Nam Cao là một nhà văn lớn của nền văn học hiện thực phê phán nói riêng và là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam nói chung. Sở dĩ Nam Cao có một vị trí xứng đáng như vậy bởi cả cuộc đời cầm bút của mình, ông luôn trăn trở để nâng cao “Đôi Mắt” của mình.
Tất cả những gì Nam Cao để lại cho cuộc đời chính là tấm gương của một người “trí thức trung thực vô ngần” luôn tự đấu tranh để vươn tới những cảnh sống và tâm hồn thật đẹp. Với những nét tiêu biểu như vậy, Nam Cao đã thể hiện qua một hệ thống các quan điểm sáng tác của mình trước cách mạng tháng Tám.
Truyện ngắn Đời thừa viết năm 1943. Đời thừa viết về cuộc sống của một trí thức nghèo, một nhà văn. Hộ đã khao khát làm được một việc gì đó để nâng cao giá trị của mình trước toàn xã hội, muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa mà cuối cùng chỉ vì gáng nặng áo cơm ghì sát đất mà phải sống một “đời thừa”, những khao khát bị tiêu diệt, những tâm tính tốt nhất cũng bị huỷ hoại.
Đời thừa thể hiện tấm bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản, nguyên nhân của tấm bi kịch ấy là gánh nặng cơm áo. Hộ đồng thời rơi vào hai tấm bi kịch: bi kịch của người nghệ sĩ phải đang tâm chà đạp lên nguyên tắc sáng tạo của nghệ thuật chân chính, bi kịch của người cha người chồng phải chà đạp lên nguyên tắc tình thương do chính mình đề ra.
Trước kia Hộ là một nghệ sĩ chân chính, sống có lí tưởng, có hoài bão, mơ ước một sự nghiệp văn chương, có quan niệm đúng đắn về tác phẩm nghệ thuật có tính nhân. Hộ đã xả thân cho lí tưởng đó, không nề hà gian khổ. Đối với Hộ, niềm say mê văn chương đã trở thành niềm say mê lí tưởng : “Đói rét không có nghĩa gì đối với gã trẻ tuổi say mê lí tưởng. Lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bão lớn”, với Hộ, “nghệ thuật là tất cả, ngoài nghệ thuật không có gì đáng quan tâm nữa”. Còn hơn cả niềm say mê văn chương, Hộ muốn sống có ích bằng văn chương. Anh muốn cống hiến cho xã hội những tác phẩm văn chương có giá trị. Khác hẳn với nhiều văn sĩ lãng mạn với quan điểm sáng tạo “nghệ thuật vị nghệ thuật”, nghệ thuật mà Hộ theo đuổi là “nghệ thuật vị nhân sinh”. Với Hộ, tác phẩm có giá trị phải là “tác phẩm nói lên được nguyện vọng vừa đau đớn vừa mạnh mẽ, nó ca ngợi lòng yêu thương, tình bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn”. Hộ khát khao trở thành nhà văn lớn giật giải Nô-ben về văn học. Đây không phải là sự háo danh của một kẻ tầm thường mà là biểu hiện của một nhà văn yêu nghề muốn sống có ích, có ý nghĩa với đời. Thế nhưng, như Xuân Diệu đã nói :
Nỗi đời cơ cực giơ nanh vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ.
Đó là lúc Hộ bước vào cuộc sống với gánh nặng gia đình, Hộ đã dần dần biến thành một cây bút khác hẳn. Khi có cả một gia đình để lo, Hộ không thể sống như trước. Gia đình Hộ muốn sống thì cần phải có tiền. Hộ không thể không nghĩ đến kiếm tiền. Bị đồng tiền làm cho điêu đứng, Hộ đã lao vào kiếm tiền. Trong điều kiện của mình, Hộ chỉ có một phương tiện duy nhất để kiếm sống là ngòi bút, là phải viết. Muốn có tiền thì phải viết nhiều. Muốn viết nhiều thì phải viết nhanh. Muốn viết nhanh thì phải viết ẩu. Thế là Hộ lao vào sản xuất những bài báo nhạt nhẽo, những cuốn sách cẩu thả mà người đọc quên ngay sau khi đọc, còn mình thì mỗi lần đọc lại cảm thấy xấu hổ, bởi đó đều chỉ là những “ý rất nông được quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và nhạt nhẽo”. Bi kịch là ở chỗ, Hộ luôn ý thức về sự cẩu thả của mình: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Còn gì đau đớn cho bằng muốn làm một nhà văn chân chính, với một nghiệp văn có ý nghĩa rốt cuộc lại thấy mình trở thành một cây bút đê tiện. Hộ đau đớn mà thấy rằng: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi!”
Hộ là một con người trung thực, thương yêu vợ con, rất có trách nhiệm đối với gia đình, là một người cầm bút có suy nghĩ đúng đắn, nghiêm túc về nghề nghiệp, có hoài bão xây dựng được một tác phẩm thật có giá trị “sẽ làm mờ hết các tác phẩm cùng ra một thời”, thậm chí có thể được trao giải Nobel. Nhưng trong thực tế, Hộ phải chịu bao nhiêu cảnh buồn lo, cực nhục trong cuộc sống. Hộ phải làm quần quật nhưng vẫn không kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình, chạy chữa thuốc men cho một bầy con nhỏ quặt quẹo, ốm luôn. Là một người đàn ông, một người chồng, một người cha có tinh thần tự trọng, Hộ rất khổ tâm trước cảnh nhà túng thiếu, nhất là nhìn thấy Từ, vợ mình, người đàn bà đã chịu nhiều đau khổ với người tình cũ, đến với mình đầy ân nghĩa, lại phải chịu đựng, lầm lũi, vất vả quá. Lúng túng, khổ tâm vì chuyện gia đình. Hộ không mấy khi được ngồi viết văn một cách thanh thản, thực hiện được những điều mình ưa thích, mong muốn.
Và bất chấp động cơ, ý nghĩa tốt đẹp, Hộ phải viết một cách cẩu thả, bôi bác, đế kiếm tiền, tạo ra những sản phẩm mà mỗi lần đọc lại “hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng, vò nát sách mà mắng mình như một thằng khốn nạn”. Những sự dằn vặt trong gia đình vì nghèo, vì cảnh vợ con nheo nhóc, thêm sự bất mãn, sự xấu hổ trong việc viết văn mà Hộ thiết tha và đặt bao nhiêu hi vọng, càng ngày càng biến Hộ thành một người bẩn tính, thô bạo, bất cần. Hộ mắng chửi vợ con, say rượu liên miên. Nhưng mỗi khi tỉnh lại, Hộ lại buồn bã, hối hận, càng thương vợ thương con và tự trách mình.
Trong hoàn cảnh như vậy, những người như Từ chỉ biết chịu đựng, nhẫn nhục, và càng hiểu chồng, thương chồng. Nhưng Hộ là một nhà văn, Hộ càng thấy hoàn cảnh sống thật là nặng nề, không lối thoát, một bi kịch thật sự. Hộ có lúc nói ra miệng là vợ con làm khổ mình, nhưng trong thâm tâm anh biết không phải như vậy. Chẳng biết trách ai, anh tự trách mình, xỉ vả mình, gặm nhấm một mình nỗi bất bình và đau khổ.
Nhân vật chính trong tác phẩm là nhà văn. Cho nên trong tác phẩm, thông qua cuộc sống và nhất là suy nghĩ của nhân vật Nam Cao đã đề cặp trực tiếp đến một vấn đề mà ông thường xuyên quan tâm, đó là vấn đề sáng tạo nghệ thuật, quan niệm và yêu cầu của ông về văn chương.
Hộ rất thiết tha với nghề văn. Sáng tạo văn chương là khát vọng, là lí tưởng của đời Hộ. Lúc đầu, Hộ coi khinh những lo lắng tùn mùn về vật chất, dồn hết tâm sức vun trồng cho cái tài mỗi ngày một thêm nảy nở. Hộ đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Hộ biết đi vào nghề văn sẽ nghèo, sẽ khổ, nhưng Hộ chấp nhận. Văn chương cũng mang lại cho Hộ niềm vui không gì sánh được. Mỗi lần Hộ tâm sự với vợ khi đọc được một đoạn văn hay:
« … Này, Từ ạ… Nghĩ cho kĩ, đời tôi không đáng khổ mà hóa khổ, chính tôi làm cái thân tôi khổ, tôi mê văn quá nên mới khổ. Ấy thế, mà tuy khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi, chưa chắc tôi đã đổi. Tôi cho rằng: những khi được đọc một đoạn văn như đoạn này, mà lại hiểu được tất cả cái hay thì dẫu ăn một món ngon đến đâu cũng không thích bằng. Sướng lắm! Sao thiên hạ lại có người tài đến thế?”
Theo Hộ, một tác phẩm thật có giá trị, tác phẩm Hộ mong viết được trong cả một đời văn của mình, không thể chỉ có giá trị địa phương thôi, không chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội, mà “Phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau dớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tính bác ái, sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn”
Chắc chắn đó cũng là mong ước, là yêu cầu của Nam Cao về một tác phẩm hay, về văn chương. Văn chương không chỉ là nghề mà còn là nghiệp, một sự ràng buộc, một nhu cầu nội tại văn chương, về phương diện sáng tác cũng như thưởng thức, là nỗi đau mà cũng là niềm vui, là hạnh phúc, tự nguyện của từng người. Văn chương là lĩnh vực của tài năng, của sự liên tài. Tác dụng cao quý của văn chương là nhân đạo hóa xã hội và cuộc sống, làm cho con người cảm thông với nhau, gần gũi nhau.
Theo Nam Cao những nguời cầm bút chì viết được những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm nông cạn, “diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi”, chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương, là những kẻ vô ích, những người thừa. Trong tác phẩm, Nam Cao đã dùng các khái niệm người thừa, đời thừa theo một nghĩa xác đinh. Thừa là không có ích, không cần thiết cho con người, xã hội. Chỉ có những con người trung thực, những người có suy nghĩ đúng và có yêu cầu về giá trị của con người trong cuộc sống, về sự sáng tạo đích thực, mới biết thế nào là thừa, mới dám nhận và xót xa về tình trạng thừa của mình. Người thừa, đời thừa là một nhận thức, một tiếng kêu về sự vô vị, bế tắc trong cuộc sống.
Đó là quan niệm rất chính xác, một yêu cầu rất cao về văn chương. Nhà văn, nghệ sĩ tất nhiên phải biết “hành nghề”, phải am hiểu về kĩ thuật, phải “khéo tay” ở một mức độ nhất định, nhất là trong một số ngành nghệ thuật nào đó, chẳng hạn như điêu khắc, biểu diễn âm nhạc v.v… Nhưng nhà văn, nghệ sĩ, về bản chất hoạt động mà nói, không phải là người thợ, cho dù là thợ khéo tay, làm theo những kiểu mẫu có sẵn, theo “đơn đặt hàng” của người khác. Văn chương nghệ thuật là hoạt động tinh thần, là “Thôi thúc bên trong” là tình cảm, tư tưởng không nén nổi của người nghệ sĩ cất lên thành lời, thành nhạc, thành tranh… Chỉ có thứ văn chương “gan ruột”, không viết ra không được đó mới rung động được tâm hồn người khác, mới có giá trị.
Hơn nữa, trong lĩnh vực văn chương, chỉ có thật, chân thành, chưa đủ, mà còn phải sâu sắc, phải mới, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Không sâu sắc, không phát hiện và tạo được cái mới, không có được một cách nhìn mới, tiếng nói mới, thì cũng không thể nào có được một chỗ đứng thật sự trong thế giới nghệ thuật.
Qua nhân vật Hộ và nhiều nhân vật trí thức khác, Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo của mình. Nhà văn lên án chế độ xã hội đã huỷ hoại nhân cách con người. Tâm sự của Hộ, của Thứ, của Điền cũng là tâm sự của những nghệ sĩ chân chính của mọi thời đại. Mâu thuẫn giữa cơm áo gạo tiền và những lí tưởng nghệ thuật cao cả là mâu thuẫn luôn tồn tại trong lao động nghệ thuật. Qua Hộ, nhà văn đã thể hiện sự tin tưởng của mình đối với những nhà văn chân chính. Vẫn nhận ra sai trái của mình con người sẽ biết sửa chữa. Và những nhà văn như Hộ sẽ vượt lên được mình để giữ gìn nhân cách. Anh sẽ viết được những tác phẩm như anh mong muốn, sẽ có trách nhiệm với gia đình và sẽ vẫn là một người tốt bởi bản chất anh không phải là kẻ xấu. Anh là người có nhân cách.
Hộ là điển hình cho bi kịch của người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Nghệ thuật điển hình hoá đã đạt đến đỉnh cao trong sáng tác của Nam Cao. Những giằng xé trong Hộ, Điền, Thứ cũng là những giằng xé trong mỗi người nghệ sĩ khi họ muốn vượt lên những lo toan đời thường để cống hiến và sống hết mình với nghệ thuật. Vì vậy, giá trị nhân văn cao cả trong sáng tác của Nam Cao cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Không chỉ là tấn bi kịch của một người chân chính, truyện ngắn Đời thừa còn là nơi nhà văn gửi gắm những quan niệm đúng đắn về nghề văn, nhà văn và về nghệ thuật đích thực.
Đời thừa có một kết cấu rất tự nhiên. Thực chất đây là một loại truyện không có cốt chuyện. Sự việc hầu như không có gì. Nhà văn có nói qua về quá khứ bất hạnh của Từ, về quá trình Hộ và Từ quen biết nhau và nên vợ nên chồng, về một buổi gặp gỡ giữa Hộ và các bạn làng văn, nhưng tập trung chủ yếu vào suy nghĩ và nỗi khổ tâm củ Hộ vì không được thực hiện nguyện vọng thiết tha của đời mình là viết văn, hoàn thành những tác phẩm thật có giá trị như mình mong ước và tin rằng có khả năng làm được. Lẽ ra phải dồn hết tâm lực cho văn chương, cống hiến cho sự nghiệp cao quý đã lựa chọn tất cả những gì tốt đẹp nhất của mình, thì Hộ lại tất tưởi lo kiếm sống, luôn luôn bị quấy rầy bởi cảnh gia đình nheo nhóc, túng quấn, do đó mà con người cũng trở nên thô bỉ, hèn kém, mộng tưởng ban đầu cũng tàn lụi dần. Tâm trạng của Hộ bị giằng xé một bên là khát khao sáng tạo, vươn tới những đỉnh cao trong văn chương và, bên kia, là những đòi hỏi thực dụng, cấp bách của cuộc sống gia đình vất vả, thiếu thốn hàng ngày. Đặc sắc và chiều sâu của tác phẩm là ở sự giằng xé trong tâm trạng của Hộ, ở chất lượng những suy nghĩ của nhân vật chính phát ngôn cho tác giả về cuộc đời, về sáng tạo văn chương.
Giá trị của Đời thừa không phải chỉ ở chỗ đã miêu tả chân thật cuộc sống nghèo khổ, bế tắc của người trí thức tiểu tư sản nghèo, đã viết về người tiểu tư sản không phải với ngòi bút vuốt ve, thi vị hoá, mà còn vạch ra cả những thói xấu của họ v.v…